GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11
CUỐN SÁCH “ NGÔI TRƯỜNG MỌI KHI ”
Kính thưa quý thầy cô giáo, cùng toàn thể các em học sinh thân mến!
Ai dù lớn bao nhiêu thì cũng từng là những cô, cậu học trò nghịch ngợm. Tác phẩm “Ngôi trường mọi khi” của tác giả Nguyễn Nhật Ánh như một cuốn hồi ký thời trung học mà bất cứ ai cũng có thể bắt gặp chính bản thân mình trong đó. Tác giả đã xây dựng rất nhiều nhân vật với những nét tính cách độc đáo, đa màu sắc. Đó có thể là cô Tóc Bím với bím tóc ngang vai, với sự ngại ngùng của con gái tuổi mười lăm. Hay là cô Tóc Ngắn tinh quái, nét tính cách ngang ngạnh như con trai khiến cho nhiều người phải “đau đầu”. Hay là cậu bạn Bảnh Trai với gương mặt tuấn tú – là crush trong mộng đời đầu của biết bao cô gái. Các nhân vật trong truyện đều không có tên riêng mà được gọi bằng biệt danh, đó là cách gọi tên độc đáo của tuổi học trò. Có thể nói đây là cuốn truyện dài với số lượng nhân vật “đồ sộ” nhất của nhà văn, đến mức tác giả cũng phải nói ở đầu sách rằng:
“Mùa xuân đừng hỏi
Bạn em rất nhiều
Do chưa kể hết
Đâu chỉ bấy nhiêu”
Với lượng nhân vật đa dạng đó, tác giả đã cho người đọc được quay lại những năm tháng cắp sách tới trường tươi đẹp với những kỷ niệm học trò, với những lần “dở khóc dở cười” của đám bạn trẻ, hay những giây phút lắng đọng của những cô gái, chàng trai tuổi mới lớn. Chúng ta có thể cười khúc khích khi được nghe chuyện ba mẹ Kiếng Cận và Tóc Bím nhầm con của mình, hay bất ngờ trước việc Bắp Rang một cậu bạn có khả năng “đánh hơi” thức ăn đầy đặc biệt khiến mọi người thán phục. Cậu vô cùng thông minh nhưng lại luôn giả vờ học kém trên lớp vì cậu không muốn theo ngành Y như bố mẹ mong muốn. Lần này, 9 người bạn còn lại đã trợ giúp rất nhiệt tình khiến Bắp Rang giải quyết được câu chuyện hướng nghiệp của cha mẹ, từ đó, cậu được tiếp tục theo đuổi ước mơ, và trở thành một học sinh xuất sắc của lớp. Hoặc đầy xúc động trước gia đình không trọn vẹn nhưng vẫn luôn dành cho nhau những sự hi sinh thầm lặng của cậu bạn Răng Chuột. Thật khó để nhầm lẫn giữa các nhân vật với nhau bởi tuy chỉ là những cô cậu học trò, nhưng trong họ cũng có những tâm tư, suy nghĩ tạo ra những nét cá tính riêng biệt. Mỗi nhân vật được tác giả miêu tả sinh động đến mức người đọc tưởng chừng đã gặp một ai giống họ ngoài đời thật.
Bằng con mắt của một người đã từng trải, nhà văn nhìn cuộc đời theo cách của riêng mình và vì thế ông đã tạo ra mỗi nhân vật là mỗi một cá tính, một hình ảnh hoàn toàn khác nhau. Nguyễn Nhật Ánh không đặt cho nhân vật của mình những cái tên thật là cụ thể mà ông gọi họ bằng những biệt danh, bằng những điều mà ai cũng có và ai cũng thấy khi chúng ta mười sáu mười bảy. Mỗi câu chuyện của họ, ta như thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng của chính mình và của những người bạn trên sân trường năm ấy. Những người bạn ở bên cạnh chúng ta vào những khoảnh khắc tươi đẹp nhất, ý nghĩa nhất.
Qua những nét vẽ trong trẻo của tác giả đã gợi lại một miền kí ức cho những cô cậu học trò cấp 3 đã ra trường, và khơi dậy một mảng trời đầy ý vị cho những ai chuẩn bị bước vào cổng trường cấp 3. Đọc sách, ta cảm nhận được vẻ đẹp tinh khôi, những dư vị ngọt ngào, những dấu ấn và kỉ niệm khó phai mờ của một thuở “áo trắng sân trường.”
Cuốn sách “Ngôi trường mọi khi” như một nét vẽ nhẹ nhàng mà sâu lắng, khắc sâu trong lòng người đọc những câu chuyện bình dị, sâu sắc về tuổi học trò. Tác phẩm đã mở ra trước mắt ta một khung trời đầy nắng và gió của quãng đời tươi đẹp thời đi học, khiến ta thêm trân trọng những năm tháng đầy ý nghĩa này.
Buổi tuyên truyền giới thiệu sách của thư viện xin tạm dừng tại đây, hẹn gặp lại quý thầy cô, cùng toàn thể các em tại thư viện nhà trường
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm lắng nghe của quý thầy cô cùng các em./.